22 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nghị quyết Trung ương 6 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới

        Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 20 -NQ/TW) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết:

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

1- Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tăng. Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám, chữa bệnh giảm nhanh. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được đẩy mạnh.

Y tế dự phòng được tăng cường, đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần… được quan tâm hơn. Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Lĩnh vực dược, thiết bị y tế có bước tiến bộ. Mô hình kết hợp quân – dân y được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tụy chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.

2- Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hoá tinh thần… ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản.

Hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên chậm được khắc phục. Thái độ phục vụ thiếu chuẩn mực của một bộ phận cán bộ y tế, một số vụ việc, sự cố y khoa gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi thế của y, dược cổ truyền, dược liệu dân tộc chưa được phát huy tốt.

Quản lý nhà nước về y tế tư nhân, cung ứng thuốc, thiết bị y tế còn nhiều yếu kém. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế. Công nghiệp dược, thiết bị y tế phát triển chậm. Đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý trong các cơ sở y tế công lập còn lúng túng. Đào tạo, sử dụng, cơ cấu, chế độ đãi ngộ cán bộ y tế còn nhiều bất cập.

Chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền còn lớn. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao. Tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện. Số năm sống khoẻ chưa tăng tương ứng với tuổi thọ.

3- Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu:

– Năng lực tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Nhận thức về vai trò, vị trí của công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân có nơi, có lúc còn chưa đầy đủ, sâu sắc; chưa coi công tác này là một trụ cột trong phát triển nhanh, bền vững đất nước.

– Trong nhận thức và hành động, chưa thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc, là căn bản. Tư duy bao cấp, ỷ lại vào Nhà nước còn nặng, thiếu cơ chế đồng bộ, phù hợp để người dân tham gia bảo hiểm y tế và thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển y tế.

– Trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn thấp. Nguồn lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thu nhập của người dân còn thấp, tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, đa dạng; yêu cầu đầu tư cho y tế lớn. Dược phẩm, thiết bị y tế chủ yếu phải nhập khẩu, theo mặt bằng giá quốc tế.

– Việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập chậm, còn nhiều lúng túng, chưa có sự chỉ đạo tập trung quyết liệt. Cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế… còn thiếu đồng bộ.

– Tác động mặt trái của cơ chế thị trường, cạnh tranh thiếu bình đẳng; còn có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các cơ sở y tế công lập với tư nhân, giữa các bộ phận trong cùng cơ sở. Công tác giáo dục y đức ở nhiều nơi bị buông lỏng. Một số nơi đề cao, tuyệt đối hoá cơ chế thị trường, coi người bệnh chỉ là khách hàng.

II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU

1- Quan điểm

– Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

– Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công – tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu.

– Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế.

– Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.

– Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

2- Mục tiêu

Mục tiêu tổng quát

Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2025:

– Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm.

– Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.

– Tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. Giảm tỉ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰.

– Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm.

– Phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

– Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%.

– Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

Đến năm 2030:

– Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm.

– Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.

– Bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin. Giảm tỉ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 15‰; dưới 1 tuổi còn 10‰.

– Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; khống chế tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm.

– Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

– Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ, 3,0 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

– Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%.

– Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

III- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

– Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

– Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe như môi trường, thể dục, thể thao, văn hóa… vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, các cấp. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về y tế và các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe.

– Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, trước hết là trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng dịch, phòng và chữa bệnh.

– Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các phong trào thi đua, các cuộc vận động có các nội dung, tiêu chí liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, tạo các điều kiện thuận lợi để huy động các tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo quy định của pháp luật.

2- Nâng cao sức khỏe nhân dân

– Tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam. Quan tâm các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, nâng cao sức khỏe, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

– Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt. Các sản phẩm, thực phẩm đóng gói phải có đầy đủ thông tin về thành phần, năng lượng, cảnh báo về sức khỏe trên bao bì. Triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người cao tuổi.

– Khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc.

– Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá.

– Đổi mới căn bản giáo dục thể chất, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường. Phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể. Tăng cường công tác y tế học đường.

– Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới sức khỏe. Tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp các hệ thống cấp thoát nước; bảo đảm người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; xử lý chất thải; khắc phục ô nhiễm các dòng sông, các cơ sở sản xuất. Tăng cường cải tạo, hạn chế san lấp hệ thống kênh rạch, hồ ao; chống lạm dụng hoá chất trong nuôi trồng.

– Phát huy hiệu quả các thiết chế, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể thao. Tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh, vệ sinh; xoá bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

– Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thảm họa, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn lao động; phòng, chống tai nạn, thương tích, cháy, nổ, bệnh nghề nghiệp.

3- Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở

– Bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng. Tăng số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách.

– Phát triển y học gia đình. Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Đẩy mạnh kết hợp quân – dân y, y tế ở vùng biên giới, hải đảo. Kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y.

– Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.

– Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ.

– Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp.

4- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện

– Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh hệ thống bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang; tăng cường phối hợp quân – dân y.

– Hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước. Ban hành tiêu chí đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế.

– Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới.

– Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật các tuyến phải có đủ năng lực thực hiện, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến.

– Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe.

– Phát triển đồng bộ, tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư.

– Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.

– Tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.

– Tăng cường khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách. Phát huy thế mạnh y tế của lực lượng vũ trang; triển khai các mô hình tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng nơi để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

5- Đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế

– Bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

– Tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, hoá chất, vật tư y tế, bảo đảm công khai, minh bạch. Hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chống thất thoát, lãng phí.

– Quản lý chặt chẽ nhập khẩu thuốc. Củng cố hệ thống phân phối thuốc, bảo đảm kỷ cương pháp luật, hiệu quả, chuyên nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quyền phân phối thuốc, không để các doanh nghiệp không được phép nhưng vẫn thực hiện phân phối thuốc trá hình. Tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

– Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc xin. Đầu tư đủ nguồn lực để làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới, vắc xin tích hợp nhiều loại trong một, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêm chủng mở rộng trong nước, tiến tới xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị dược phẩm trong khu vực và trên thế giới.

– Đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng của các phương thức chẩn trị, điều trị không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền. Hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hoá các bài thuốc y học cổ truyền; tôn vinh và bảo đảm quyền lợi của các danh y.

– Có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm; ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu.

– Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hoá có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu ngoại nhập; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.

6- Phát triển nhân lực và khoa học – công nghệ y tế

– Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học.

– Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề.

– Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học – công nghệ y tế, dược, y sinh học. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành thiết bị y tế. Có cơ chế giao trách nhiệm, tôn vinh các bệnh viện, viện nghiên cứu, các bác sĩ, nhà khoa học tham gia đào tạo nhân lực y tế.

– Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế. Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,…

– Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, xâm hại đến nhân phẩm và sức khỏe thầy thuốc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cơ sở y tế.

7- Đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế

– Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

– Tiếp tục sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới.

– Sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định để hình thành hệ thống cơ quan kiểm soát dược phẩm và thực phẩm, thiết bị y tế phù hợp, hội nhập quốc tế.

– Tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn. Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện.

– Về cơ bản, các bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện; Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành. Tập trung hoàn thiện bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh trước khi thành lập mới các bệnh viện chuyên khoa ở cấp tỉnh. Điều chỉnh, sắp xếp các bệnh viện, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ hệ thống bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ngoài công lập, đặc biệt là các mô hình hoạt động không vì lợi nhuận.

– Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân.

8- Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế

– Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

– Ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần…; dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.

– Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.

– Thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do ngân sách nhà nước bảo đảm là chủ yếu. Khám, chữa bệnh do bảo hiểm y tế và người dân chi trả. Chăm sóc sức khỏe ban đầu do bảo hiểm y tế, người dân và ngân sách nhà nước cùng chi trả; bảo hiểm y tế đối với người lao động phải do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp; ngân sách nhà nước bảo đảm đối với một số đối tượng chính sách. Ban hành “Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả” phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và “Gói dịch vụ y tế cơ bản do Nhà nước chi trả” phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; đồng thời huy động các nguồn lực để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe người dân.

– Ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế bảo đảm chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản; người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần vượt mức. Có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới và các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được.

– Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quản trị doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi về đất, tín dụng… để khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài.

– Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Đa dạng hoá các hình thức hợp tác công – tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công – tư trong cung cấp dịch vụ y tế. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế (kể cả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu), tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu. Các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

– Tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hoá để lạm dụng các nguồn lực công phục vụ các “nhóm lợi ích”, tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

– Từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nâng cao hiệu quả quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo. Đẩy mạnh phương thức nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng và thực hiện cơ chế giá gắn với chất lượng dịch vụ, khuyến khích sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến dưới.

– Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế.

9- Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế

– Tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tài chính của các nước, các tổ chức quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực y dược.

– Chủ động đàm phán và thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về y tế. Tích cực tham gia xây dựng các chính sách, giải quyết các vấn đề y tế khu vực và toàn cầu, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của y học Việt Nam. Tăng cường quảng bá, đưa y dược cổ truyền Việt Nam ra các nước trên thế giới.

– Hài hoà hoá các thủ tục, quy trình với ASEAN và thế giới về y tế. Tăng cường xây dựng và áp dụng các chuẩn mực y tế trong nước theo hướng cập nhật với thế giới và khu vực. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về sức khoẻ; hoàn thành trước thời hạn một số mục tiêu.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội đối với lĩnh vực này.

2- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết.

3- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Y tế, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết.

4- Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và các đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết./.

(Nguồn: www.chinhphu.vn)

BVĐK Sóc Sơn tổ chức hội thi tay nghề điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên năm 2017

      Từ ngày 26/9/2017 đến ngày 29/9/2017, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đã tổ chức thành công Hội thi tay nghề điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên năm 2017.

Đối với mỗi bệnh viện, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên là một lực lượng lớn, có mặt ở hầu hết các vị trí trong công tác chăm sóc phục vụ người bệnh. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên là điều cần thiết và phải thực hiện thường quy. Hội thi tay nghề điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên năm 2017 được tổ với mục đích: Đánh giá khả năng đáp ứng của đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên; tăng cường việc thực hiện các quy trình chuyên môn; xác định những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hành để xây dựng bổ sung các quy trình chuyên môn chuẩn phù hợp với tình hình thực tế của bệnh viện.

Tham dự hội thi năm nay gồm 55 thí sinh là các Điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên có thời gian công tác dưới 5 năm đến từ các khoa lâm sàng trong bệnh viện. Mỗi thí sinh phải trải qua 2 phần thi: Phần thi lý thuyết  và phần thi thực hành được thực hiện trên người bệnh. Với tinh thần quyết tâm cao học hỏi, các thí sinh đã có những phần thi xuất sắc, được đánh ban giám khảo đánh giá cao.

Sau bốn ngày tổ chức thi sôi nổi và nghiêm túc, Hội thi đã tìm ra được những thí sinh có thành tích xuất sắc:

  • Giải nhất:
    + Thí sinh Nguyễn Thị Nhàn         – ĐD. Khoa Nội
  • Giải nhì:
    + Thí sinh Nghiêm Quang Sơn      – ĐD. Khoa Cấp Cứu
    + Thí sinh Đỗ Đình Huệ                 – ĐD. Khoa Nhi
  • Giải ba:
    + Thí sinh Nguyễn Thị Nga           – ĐD. Khoa Nội
    + Thí sinh Phạm Thị Thu Thủy      – ĐD. Khoa Hồi sức tích cực & chống độc
    + Thí sinh Lê Thị Kim Anh             – ĐD. Khoa Ngoại
  • Giải khuyến khích:
    + Thí sinh Chu Thị Ngọc Xuân        – ĐD. Khoa Nội
    + Thí sinh Nguyễn Thị Mai Duyên  – ĐD. Khoa Cấp cứu
    + Thí sinh Lê Thị Mến                     – ĐD. Khoa Nhi
    + Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa  – ĐD. Khoa Khám bệnh
    + Thí sinh Đỗ Thị Thoa                   – ĐD. Khoa Truyền nhiễm
    + Thí sinh Vương Thị Nhi                – ĐD. Khoa Nhi

Phát biểu trong buổi lễ tổng kết Hội thi, đồng chí Tạ Văn Sứng – Giám đốc bệnh viện nhấn mạnh: “Điều dưỡng là một lực lượng rất quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trong bệnh viện”. Vì vậy cuộc thi năm nay là cơ hội giúp toàn bộ khối điều dưỡng, hộ sinh viên, kỹ thuật viên không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để đưa bệnh viện đa khoa Sóc Sơn ngày một phát triển.

Một số hình ảnh diễn ra trong Hội thi:

                                                  BSCK II. Tạ Văn Sứng – Giám đốc bệnh viện khai mạc hội thi
Các thí sinh chăm chú làm bài thi lý thuyết
                                                             Các thí sinh chăm chú làm bài thi lý thuyết
                     Trong suốt thời gian thi, tất cả các thí sinh đều có ý thức tự giác làm bài và nghiêm túc trong thi.
                                                                  Phần thi thực hành: Tiêm tĩnh mạch
                                                                   Thí sinh thực hành tiêm bắp
                                                           Phần thi thực hành thay băng cho bệnh nhân
                                     CN. Nguyễn Văn Điền – Trưởng phòng Điều dưỡng báo cáo tổng kết Hội thi
                         Đ/c Giám đốc bệnh viện tặng hoa và trao phần thưởng cho thí sinh đạt giải nhất, giải nhì.
                         Đ/c Nguyễn Anh Tuấn – PGĐ bệnh viện tặng hoa, phần thưởng cho các thí sinh đạt giải ba.
                                       Các thí sinh đạt giải khuyến khích lên nhận hoa và phần thưởng của hội thi.
  Ban giám đốc, Ban tổ chức, lãnh đạo các khoa phòng có nhân viên tham dự chụp ảnh lưu niệm chung vui cùng các thí sinh

(www.bvdksocson.vn)

Đại hội Công đoàn BVĐK Sóc Sơn Sóc Sơn lần thứ IV nhiệm kỳ 2017-2022

      Chiều ngày 29/9/2017, tại hội trường tầng 5- nhà H1, bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đã tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ IV nhiệm kỳ 2017-2022.

Đến dự với đại hội có: Đại diện Công đoàn Ngành Y tế Hà Nội: Đồng chí Trịnh Huy Toàn- Chủ tịch Công đoàn Ngành Y tế; đại diện Liên đoàn lao động huyện Sóc Sơn: Đồng chí Đỗ Thị Hương- Phó chủ tịch phụ trách Liên đoàn lao động huyện Sóc Sơn và đồng chí Đồng Đức Hạnh- Phó Chủ tịch Liên đoàn Huyện Sóc Sơn cùng 117 đại biểu đại diện cho các đoàn viên Công đoàn bệnh viện đến từ 24 khoa/phòng.

Đại hội đánh giá cao những thành tích mà Công đoàn bệnh viện Nhiệm kỳ 2012-2017 đã đạt được và thẳng thắn nêu ra những hạn chế, tồn tại trong quá trình hoạt động. Công đoàn bệnh viện đã hoạt động theo đúng Điều lệ, phối hợp cùng chính quyền đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó Công đoàn bệnh viện luôn đồng hành, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn với Ban Lãnh đạo bệnh viện, giúp đoàn viên an tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao trong nhiệm kỳ qua.

Đại hội đã tiến hành bầu cử Ban chấp hành khóa IV nhiệm kỳ 2017-2022 gồm 09 đồng chí:

  1. Đồng chí Dương Văn Nhiệm
  2. Đồng chí Vũ Tuấn Dũng
  3. Đồng chí Nguyễn Văn Khương
  4. Đồng chí Nguyễn Văn Cường
  5. Đồng chí Thái Thị Mai Hương
  6. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương
  7. Đồng chí Nguyễn Thị Ngân
  8. Đồng chí Hoàng Thị Bắc
  9. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ

Đại hội cũng đã bầu 02 đồng chí đại diện cho Công đoàn bệnh viện tham dự Đại hội Công Đoàn Ngành Y tế Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2018-2023 là:

  1. Đồng chí Dương Văn Nhiệm
  2. Đồng chí Vũ Tuấn Dũng

Đại hội kêu gọi toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, Công đoàn Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đoàn kết nhất trí phát huy những thành tích đã đạt được, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xây dựng đơn vị Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn ổn định và phát triển.

Một số Hình ảnh trong Đại hội:

                                      Đ/c Trịnh Huy Toàn – Chủ tịch Công Đoàn Ngành Y tế tặng hoa lưu niệm
                                                 Ban Giám đốc Bệnh viện tặng hoa lưu niệm, chung vui với đại hội
                           Đại diện Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn tặng hoa lưu niệm với Công đoàn Bệnh viện
                                                   Đại diện BCH Đoàn Thanh niên Bệnh viện tặng hoa lưu niệm
   Đ/c Nguyễn Hữu Phúc – Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện nhiệm kỳ 2012 – 2017, báo cáo tổng kết hoạt động CĐ lần thứ III
        Đ/c Nguyễn Thị An – Ủy viên BCH thông qua điều lệ bầu cử BCH Công đoàn Bệnh viện lần IV nhiệm kỳ 2017-2022
                                 Các đại biểu Công đoàn bỏ phiếu bầu cử BCH Công đoàn lần IV nhiệm kỳ 2017-2022
                                       Ban chấp hành Công đoàn lần IV, nhiệm kỳ 2017-2022 ra mắt đại biểu
           Lãnh đạo Công đoàn ngành, lãnh đạo Bệnh viện tặng hoa lưu niệm BCH Công đoàn lần III nhiệm kỳ 2012-2017
                    Đ/c Dương Văn Nhiệm- Đại diện BCH Công đoàn lần IV, nhiệm kỳ 2017-2022 đọc lời hứa trước đại hội

(www.bvdksocson.vn)

Đăng tải thông tin, bài viết sai sự thật trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật

        Gần đây thông tin bắt cóc trẻ em, án mạng chặt đầu tại Royal City hay máy bay rơi ở Nội Bài được đăng tải trên mạng xã hội Facebook “nóng” hơn bao giờ hết khi được nhiều người chia sẻ, comment gây hoang mang trong dư luận. Dù chỉ là những tin đồn thất thiệt nhưng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ.

Mới đây, ngày 11-9, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với Hoàng Thị Liễu (21 tuổi), là công nhân một công ty trên địa bàn thành phố, đang ở tại xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), về hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự nhân phẩm cá nhân” quy định tại Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính vễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Qua tài liệu của cơ quan CSĐT Công an TP Vĩnh Yên, khoảng 12h10 ngày 20-7, tài khoản Facebook cá nhân có tên Elyna Hoàng đăng tải thông tin về việc “Bọn bắt cóc đã có mặt tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc”. Đến ngày 21-7, sau 1 ngày thông tin đăng tải đã có 100 lượt bày tỏ cảm xúc, 70 lượt bình luận và 45 lượt chia sẻ trên mạng xã hội.

Đào Ngọc Khánh khai nhận hành vi vi phạm tại Phòng PC50 (Công an Hà Nội).

Đây là thông tin nhạy cảm gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Sau khi thông tin trên được đăng tải, Đội An ninh, Công an TP Vĩnh Yên đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xác minh, điều tra theo quy định. Quá trình xác minh xác định, trên địa bàn xã Bình Định và các xã lân cận trên địa bàn huyện Yên Lạc không xảy ra vụ việc nào liên quan đến việc bắt cóc hoặc tiếp nhận thông tin nào có liên quan đến việc bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng như tài khoản Elyna Hoàng đăng tải.

Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh tài khoản Elyna Hoàng và xác định được đối tượng đăng tải nội dung là Hoàng Thị Liễu. Khi mời Liễu lên cơ quan Công an, chị này thừa nhận hành vi sai trái của mình. Theo lời khai của Liễu, trong thời gian tháng 7, có nghe một số người nói về việc trẻ em bị bắt cóc nên ngày 20-7, đã sử dụng điện thoại để soạn nội dung và đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến vụ việc bắt cóc trẻ em lên Facebook cá nhân của mình.

Đại tá Lê Hồng Sơn,Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, PC50 đã xử lý 2 vụ việc đăng tải những thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook gây hoang mang dư luận.

Trong đó, khoảng 15h57 ngày 20-7, khi đang nộp tiền vào tài khoản tại máy CDM của Ngân hàng VP Bank chi nhánh Kinh Đô, địa chỉ phường Trung Liệt, Đống Đa (Hà Nội), Phạm Thị Mùi (27 tuổi), trú tại phường Kim Giang, Thanh Xuân đọc được bài đăng trên Facebook (Mùi không nhớ rõ tài khoản nào, bài viết này hiện đã bị xóa) với nội dung: “Mưa to quá máy bay rơi luôn… thật là kinh khủng”, bài viết đăng kèm 5 hình ảnh thể hiện việc máy bay rơi trên cánh đồng. Do trời đang mưa to, Mùi nghĩ đây là sự thật nên đã tải 5 ảnh trên về máy điện thoại của mình. Mùi xem hình ảnh máy bay rơi trên có địa điểm giống với địa điểm sân bay Nội Bài tại Hà Nội nên nghĩ sự việc xảy ra tại sân bay Nội Bài.

Sau đó, khoảng 15h59 cùng ngày, Mùi copy lại bài viết trên và viết thêm nội dung “Nội Bài này” vào bài viết, đăng kèm 5 hình ảnh trên lên tài khoản Facebook “Phạm Thị Mùi”  của mình. Mùi đặt địa điểm hiện tại của mình tại sân bay quốc tế Nội Bài để cho người đọc tin tưởng rằng có sự việc máy bay rơi tại sân bay Nội Bài.

Khoảng 5 phút sau, Mùi tìm trên trang tìm kiếm Google thông tin về máy bay rơi xem có đúng hay không? Thiệt hại như thế nào? Thì thấy không hề có thông tin nào liên quan đến việc máy bay rơi tại sân bay Nội Bài.

Tại cơ quan Công an, Mùi tự nhận thấy thông tin trên là bịa đặt, không đúng sự thật nên đã xóa bài viết trên của mình đi. Do Mùi sử dụng tài khoản Facebook mình để kinh doanh online (hiện có 3.489 bạn bè, 10.854 người theo dõi) nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều người đọc, chia sẻ, đăng lên các diễn đàn như otofun… gây hoang mang cho dư luận, xã hội và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến vụ việc này, Phòng PC50 đã chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng đến Công an quận Hai Bà Trưng để xử lý theo thẩm quyền. Theo cơ quan Công an, với những vi phạm cụ thể như trường hợp Phạm Thị Mùi, chiếu theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Mùi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng.

Gần đây nhất, khoảng 9h30 ngày 12-9, Đào Ngọc Khánh (20 tuổi), quê ở Lào Cai, hiện đang là sinh viên đại học tại Hà Nội, khi đang làm thêm ở cửa hàng kinh doanh giày tại sảnh B2-R3-Royal City – Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội thì thấy có rất đông nhân viên bảo vệ của Tập đoàn Vingroup tụ tập tại sảnh và thang cuốn. Hiếu kỳ, Khánh đã chụp ảnh lại bằng điện thoại di động của mình.

Do muốn có người để ý đến tài khoản mạng của mình, Khánh đã sử dụng phần mềm Instagram để chỉnh sửa nội dung bức ảnh bằng việc thêm vào dòng chữ: “Vừa có vụ án mạng tại Vincom Royal” vào bức ảnh gốc rồi đăng tải lên tài khoản Instagram của mình. Sau đó Khánh tiếp tục làm việc.

Đến khoảng 21h cùng ngày, khi Khánh vào mạng xã hội Facebook thì thấy có người trong nhóm “Hóng Biến Hội” hỏi về nội dung bức ảnh do Khánh chụp buổi sáng với nội dung “Có ai hóng thông tin về vụ này không ạ”. Lúc này Khánh đã nảy sinh ý định thu hút người trên mạng Facebook (câu like) và muốn được nhiều người biết đến nên Khánh đã đăng tải lên nhóm “Hóng Biến Hội” từ tài khoản Facebook “Đào Ngọc Khánh” của mình.

Ngoài ra, Khánh còn viết thêm nội dung: “Vụ này chặt đầu trong royal mọi người nhé. Ảnh bạn dưới vừa up là ảnh từ ins của mình ra. Chi tiết dưới comment nhé. Vì cái này vin group nó che đậy mọi người ghê. 12h xóa bài”. Ngay sau khi đăng tải bài viết và nhận được một số bình luận, phản hồi về bài viết khi không đúng sự thật, Khánh đã chủ động xóa ngay bài viết này. Hiện Phòng PC50 đang tiếp tục củng cố tài liệu để xử lý Đào Ngọc Khánh theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Đại tá Lê Hồng Sơn, việc lập tài khoản Facebook, đăng thông tin là quyền cá nhân. Tuy nhiên, một số người đã đưa lên trang mạng những thông tin không có thật kiểu giật gân, những tin đồn dạng nghe ngóng, vỉa hè… không có kiểm chứng. Ngoài ra, những bình luận, comment mang tính chủ quan, cảm tính cá nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Hành vi tung tin thất thiệt gây hoang mang cho mọi người là vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ có hình thức xử lý tương ứng, từ xử phạt hành chính đến xử lý trách nhiệm hình sự.

Phòng PC50 khuyến cáo, không đăng tải những thông tin không đúng, giật tít lên mạng xã hội (bắt cóc trẻ em, giết người, cướp nội tạng….) nhằm mục đích “câu like”, “câu view” vì những thông tin ấy khi lan truyền có thể gây hoang mang dư luận hoặc ảnh hưởng đến danh dự uy tín của cá nhân, tổ chức khác.

Khi đọc, tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội cần suy ngẫm, kiểm chứng xem thông tin xuất phát từ đâu, có những trang thông tin chính thống hay không, cần kiểm tra tính xác thực của nội dung thông tin trước khi chia sẻ cho mọi người. Khi biết thông tin mình đưa lên mạng xã hội là không chính xác thì người dùng cũng nên sử dụng chính mạng xã hội để xin lỗi, đính chính lại thông tin nhằm thông báo cho mọi người biết và giảm bớt phần nào hậu quả xảy ra.

(Nguồn: www.cand.com.vn)

BVĐK Sóc Sơn quyết liệt phòng chống sốt xuất huyết

        Thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn là một trong những cơ sở y tế tích cực triển khai các biện pháp để phòng chống dịch sốt xuất huyết và sẵn sàng thực hiện khám, điều trị khi có bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn.
        Thực hiện Kế hoạch số 378/QĐ-BV ngày 11/8/2017 của Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn về việc thành lập Đội xung kích diệt bọ gậy phòng chống dịch Sốt xuất huyết. Với nhiệm vụ chính là: “Triển khai thực hiện thường xuyên định kỳ các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, loăng quăng; đôn đốc, kiểm tra nhân viên vệ sinh của đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường; tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho cán bộ nhân viên,người nhà bệnh nhân về các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy với tần suất 03 – 07 ngày/lần. Cùng với Đội xung kích còn có Tổ giám sát – là bộ phận chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động cho Đội xung kích diệt bọ gậy, phòng chống dịch Sốt xuất huyết Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn.
        Ngay trong ngày 12/8 và ngày 19/8, Ban Giám đốc, Đoàn thanh niên, Đội xung kích diệt bọ gậy phòng chống dịch Sốt xuất huyết cùng tiến hành tổng vệ sinh môi trường bệnh viện để phòng chống dịch. Toàn bộ các khu vực: sân vườn quanh các tòa nhà; bãi cỏ đều được phát quang, khai thông; hệ thống bể nước, cống thoát nước còn đọng rác được thu gom, xử lý để không còn dụng cụ đọng nước, chứa nước; không còn nơi trú ngụ, sinh sản cho muỗi.
        Song song với các hoạt động xung kích, Bệnh viện còn tiến hành tuyên truyền trên hệ thống phát thanh tại khu vực đón tiếp khám bệnh hàng ngày, với các nội dung như: Các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết tại gia đình; Phát hiện sớm các biểu hiện, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết; Điều trị bệnh sốt xuất huyết để người bệnh và người nhà người bệnh đến khám bệnh được biết về sốt xuất huyết.
Bệnh viện cũng ban hành Số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ công tác tư vấn điều trị bệnh Sốt xuất huyết:   0888.690.199
        Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi, phòng chống dịch Sốt xuất huyết của Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn.
           Ban giám đốc, Đoàn thanh niên, Đội xung kích trong ngày ra quân diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết.
 Đích thân đ/c Tạ Văn Sứng – Thủ trưởng đơn vị trực tiếp tham gia, hướng dẫn Đội xung kích dọn dẹp vệ sinh quang cảnh.
                       Mỗi cán bộ y bác sỹ BVĐK Sóc Sơn là một chiến sỹ tình nguyện giữ gìn vệ sinh môi trường.
                                                   Phát quang sân vườn, bụi cỏ và nơi cư trú của muỗi.
                                        Thu gom và xử lý vật dụng chứa nước, đọng nước xung quanh cơ quan.
                                                   Khơi thông và tháo sạch cống rãnh, vị trí đọng bùn, nước.
                                San bằng, dọn dẹp và đổ đất vào các chậu cây, chậu hoa trũng chứa, đọng nước.
                                                   Thu gom và đổ bỏ các vật liệu, phế liệu không sử dụng.

(www.bvdksocson.vn)

Khám chữa bệnh ngày nghỉ, lễ vẫn được chi trả bảo hiểm !

        Thực hiện Công văn số 1966/SYT-NVY ngày 15/6/2017 của Sở Y tế Hà Nội về việc tổ chức khám chữa bệnh BHYT vào ngày lễ, ngày nghỉ.
        Thực hiện Công văn số 1906/BHXH-GĐBHYT1 ngày 02/8/2017 của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội về việc khám, chữa bệnh vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
        Căn cứ vào tình hình thực tế với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, giảm tải cho những ngày khám bệnh thông thường.
                                     Sảnh trước khoa Khám bệnh (Nhà H1) – Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn
       Từ ngày 05/8/2017, BVĐK Sóc Sơn triển khai kế hoạch khám bệnh vào ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật phục vụ nhu khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT và thu phí cho nhân dân trong khu vực và các vùng lân cận.

(www.bvdksocson.vn)

THÔNG BÁO

HOẠT ĐỘNG