GIỚI THIỆU KHOA CẤP CỨU- BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÓC SƠN

Tập thể khoa Cấp cứu

  1. Thời gian thành lập: 13/6/2016
  2. Cơ cấu nhân lực: Tổng số nhân viên: 25

Trong đó:

  • Bác sỹ: 06 ( 01 BSCKI, 05 Bác sỹ đa khoa)

BSCKI Nguyễn Duy Tú – Chuyên ngành Hồi sức cấp cứu- Trưởng khoa

– Điều dưỡng: 18

+ Điều dưỡng đại học: 02

+ Điều dưỡng cao đẳng: 15

+ Điều dưỡng trung cấp: 01

– Hộ lý: 01

  1. Chức năng nhiệm vụ:

– Tiếp nhận, khám, điều trị tất cả bệnh nhân nặng được chuyển đến. Đánh giá, phân loại tình trạng bệnh và thực hiện các biện pháp cấp cứu thích hợp theo mức độ ưu tiên cấp cứu đến khi người bệnh qua khỏi tình trạng nguy kịch và chuyển đến chuyên khoa phù hợp.

– Tổ chức làm việc, thường trực theo quy định đảm bảo nhân lực cấp cứu 24/24.

– Thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, quy chế chuyên môn trong bệnh viện.

– Tổ chức dây chuyền cấp cứu, cùng với khoa Hồi sức tích cực hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa trong bệnh viện.

– Tham gia cấp cứu ngoài bệnh viện và tiếp nhận các cấp cứu hàng loạt.  Phối hợp chặt chẽ với trung tâm Cấp cứu 115 thực hiện cấp cứu và vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện khi có yêu cầu.

– Các trường hợp người bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn thì hội chẩn, mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Theo dõi bệnh nhân thở máy

  1. Dịch vụ kỹ thuật của khoa:

a. Cấp cứu ngừng tuần hoàn:

– Là một kỹ thuật thực hiện thường xuyên tại khoa có vai trò rất quan trọng đối với sinh mạng người bệnh. Phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng, xử trí sớm và đúng phương pháp sẽ có nhiều cơ hội để cứu sống người bệnh.

– Chỉ định: Ngừng tuần hoàn do các nguyên nhân như Nhồi máu cơ tim cấp, Đuối nước, Điện giật, Chấn thương,…

b. Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm:

Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm

  – Đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm là một thủ thuật cơ bản trong hồi sức cấp cứu, bằng cách đưa 1 ống thông nhỏ, mềm, dẻo qua da vào tĩnh mạch cảnh trong hoặc tĩnh mạch dưới đòn người bệnh.

– Chỉ định:

+ Đánh giá cân bằng dịch (Đo CVP)

+ Tiêm truyền tĩnh mạch kéo dài

+ Truyền thuốc vận mạch, các thuốc dễ kích ứng mạch

+ Hoặc để truyền dịch với lượng lớn, đường truyền ngoại vi không đảm bảo.

– Các BN tại khoa đã được đặt catheter TM trung tâm trong quá trình điều trị: Sốc nhiễm khuẩn, Suy tim nặng, Hôn mê, Đái tháo đường có toan ceton, Đái tháo đường có tăng áp lực thẩm thấu, Viêm tụy cấp,…

c. Chọc hút dịch, chọc hút khí màng phổi:

Kỹ thuật chọc hút dịch màng phổi

– Chọc hút khí màng phổi là 1 kỹ thuật cấp cứu, thường thực hiện ở các khoa hồi sức cấp cứu để xử trí ban đầu cho người bệnh bị tràn khí màng phổi như:Tràn khí màng phổi tiên phát hoặc do chấn thương ngực.

– Chọc hút dịch màng phổi có thể được thực hiện để chẩn đoán hoặc điều trị:

+ Xơ gan, suy tim, suy thận, suy kiệt.

+ Lao phổi, Ung thư phổi màng phổi, Viêm phổi Áp xe phổi,…
+ Tràn máu màng phổi trong các trường hợp có chấn thương ngực.

d. Chọc hút dịch màng bụng:

Kỹ thuật chọc hút dịch màng bụng

  – Chọc hút dịch màng bụng là một thủ thuật để lấy chất dịch đã thu thập trong bụng (dịch màng bụng). Sự tích tụ chất dịch này được gọi là cổ trướng. Cổ trướng có thể được xuất hiện bởi quá trình bệnh nhân bị nhiễm trùng, viêm, chấn thương hoặc các tình trạng khác như: Xơ gan, suy thận, suy tim, viêm tụy cấp, ung thư,…

e. Lấy khí máu động mạch:

– Phân tích khí máu động mạch (ABG) cần một mẫu máu động mạch để làm xét nghiệm đo pH, áp lực riêng phần CO2 (PaCO2), áp lực riêng phần Oxy (PaO2), bicarbonat (HCO3) và phần trăm bão hòa oxy máu (SaO2) để đánh giá tình trạng hô hấp, chuyển hóa và toan kiềm của bệnh nhân.

– Chỉ định:  Trong chẩn đoán:

+ Các rối loạn thăng bằng toan kiềm và oxy hóa máu có thể nhanh chóng dẫn đến các rối loạn nhịp tim nặng, không đáp ứng, thậm chí tử vong và giúp người bác sỹ nhận ra được nguyên nhân của các rối loạn như giảm tưới máu mô, rối loạn chuyển hóa, rối loạn hô hấp.

+ Cần làm xét nghiệm khí máu động mạch trong các trường hợp rối loạn ý thức không rõ nguyên nhân, các rối loạn về hô hâp, khẳng định các rối loạn giảm oxy hóa máu hoặc các bất thường HCO3-

+ Sự khác biệt giữa SaO2 và PaO2 trên khí máu động mạch có thể gợi ý chẩn đoán carboxyhemoglobinemia và methemoglobinemia.

+ PaO2 trên khí máu động mạch là cần thiết để tính chênh áp oxy phế nang mao mạch trong việc xác định nguyên nhân toan hô hâp và kiềm hô hấp.

+ Các giá trị trong khí máu động mạch là cần thiết để đánh giá tổng lượng oxy máu động mạch (CaO2), oxy phân ly (DO2) và oxy tiêu thụ (VO2).

Khoa Cấp cứu là một trong những khoa lâm sàng chủ chốt của bệnh viện, với công suất làm việc 24/24 và những ngày Lễ, Tết, khoa Cấp cứu đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn luôn luôn sẵn sàng với quy trình “báo động đỏ” có phối hợp nhanh chóng và bài bản với tất cả các khoa trong bệnh viện và các bệnh viện khác cùng tham gia cấp cứu trong ranh giới sinh – tử mong manh với phương châm: “ Cấp cứu thật nhanh để giành sự sống”.