“Điều dưỡng chúng tôi tự hào vì mình là Điều dưỡng” chúng tôi viết bài này để bày tỏ sự trân trọng, biết ơn và tạo nguồn cảm hứng tích cực, sự tự hào với nghề cho các đồng nghiệp là điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, bác sỹ nghề y.
Đôi khi sự phản biện lẫn nhau lại làm khai sáng hay hiểu rõ hơn nhiều điều mà trước đó vốn dĩ đã có nhưng chúng ta chưa nhận ra.đ
Thế hệ trẻ hiện nay họ ít đăng ký học nghề điều dưỡng. Bọn trẻ nói chuyện với nhau rằng nghề đó phải phục vụ người ta cực lắm, lại còn nguy hiểm nữa. Câu chuyện thoáng qua như bao ngày nhưng làm chúng tôi giật mình, bọn trẻ bây giờ “tính toán” ghê thật! Trạc tuổi như chúng, thế hệ chúng tôi có mấy ai nghĩ được đến như thế và ngay cả lúc này, khi chúng tôi biết đến nghề Điều dưỡng thực sự vất vả nhưng mấy ai than phiền hay có suy nghĩ từ bỏ, nó như một phần cuộc sống của chúng tôi rồi.
Chúng tôi đã từng được nghe đâu đó rằng: “Khi cho đi bằng tất cả tấm lòng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế, chẳng phải người có nhiều của cải mới là người giàu có, mà chính người cho đi nhiều mới là người giàu có”. Thật đúng như vậy!
Chúng tôi tự cảm nhận về môi trường làm việc của mình. Điểm chung công việc của chúng tôi là quan tâm, chăm sóc rất nhiều người, nhưng đối tượng chăm sóc của chúng tôi lại khác nhau. Nếu nghề giáo dục là chăm sóc, vun đắp cho những con người trẻ, khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, năng động, tươi vui. Thì đối tượng chăm sóc của nghề Điều dưỡng lại là những người thể trạng yếu, ốm đau, thậm chí họ không có người thân. Có những người bệnh nặng những ngày cuối cùng của cuộc đời mình cũng trông vào sự chăm sóc của người điều dưỡng. Bình thường, tính khí mỗi người đã khác nhau, nay có bệnh trong người thì bệnh nhân càng “khó ở, trái tính”. Một viên thuốc có đắng ít hay không đắng nhưng khi họ nhận lấy từ tay người Điều dưỡng ít có ai nở nụ cười hay nói lời cảm ơn cả ( bởi nhiềulẽ..).
Thật đúng khi ai đó đã nói “Nghề Điều dưỡng như làm dâu trăm họ”. Gần 20 năm gắn bó với nghề, với những người đồng nghiệp, chúng tôi đã cùng nhau đi qua biết bao nhiêu kỉ niệm. Không ít anh chị em đã phải đón nhận những bức xúc của bệnh nhân và gia đình của họ, thêm vào đó còn có những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Có điều dưỡng phải dùng thuốc khi bị phơi nhiễm HIV vì cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn. Cũng có trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng xấu, khi chúng tôi đến giải thích, tư vấn thì bị người nhà bệnh nhân (một phần xúc động, một phần kích động, …) la hét, xô xát, dọa đánh và đánh chúng tôi . Có lúc chúng tôi bị bác sĩ phàn nàn vì chưa kịp làm theo y lệnh mặc dù chúng tôi đã chạy hết công suất của bản thân…Nhưng sau tất cả, chúng tôi lại như một gia đình, vì ai cũng một lòng chăm sóc bệnh nhân, mong bệnh nhân sớm khỏi bệnh và được ra viện.
Chúng tôi còn nhớ mãi câu chuyện về nữ đồng nghiệp cùng khoa, tận tụy phục vụ bệnh nhân mà quên rằng đến ngày sinh nở. Cả ngày miệt mài làm việc với anh chị em, vừa tan ca chiều thì nhập viện và hạ sinh. Tôi và không ít đồng nghiệp vì lịch trực dày đặc, công việc bận rộn mà những ngày lễ, Tết, những kỳ nghỉ đã không thể dành thời gian trọn vẹn bên gia đình. Con cái, người thân trong nhà ốm đau cũng không dành thời gian chăm sóc được, mà phải đi chăm sóc điều trị cho những người bệnh… Bao vất vả biết nói sao cho hết. Đặc biệt hơn nữa, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay, thì tất cả các nhân viên y tế ngành y phải thực hiện “4 tại chỗ”: làm việc, ăn , nghỉ, sinh hoạt tại bệnh viện không được về nhà để miệt mài ngày đêm chăm sóc điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh.Trong khí đó nhiều ngành khác được nghỉ giãn cách ở nhà. Nhưng cảm kích vô cùng khi về nhà lại nhận được sự cảm thông, chia sẻ của những người thân.
Cũng có lúc chúng tôi thấy phiền lòng khi phần lớn những người chúng tôi quen đều nghĩ rằng nghề của chúng tôi là nghề “hái ra tiền”. Nếu ai trong số họ biết được sự hy sinh thầm lặng của chúng tôi thì vô cùng trân trọng, không hiểu thì chúng tôi cũng xác định nó đã như “cái nghiệp vận vào thân của mình”.
May sao, ngày càng có nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi ra viện đã thấu hiểu và biết ơn những người điều dưỡng đã ngày đêm chăm sóc họ khi đau ốm. Chúng tôi đã nhận được những bức thư cảm ơn, những cuộc điện thoại hay những món quà cây trái vườn nhà gửi đến khoa và bệnh viện. Dù giá trị vật chất không nhiều nhưng cũng làm chúng tôi ấm lòng, vững tin nghề của mình đã chọn và ngày càng yêu hơn màu áo trắng, yêu hơn nghề Điều dưỡng. Chúng tôi tự hào vì mình là điều dưỡng!”
Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát như hiện nay, chúng tôi thường xuyên hướng dẫn người bệnh thực hiện vệ sinh tay đúng quy trình và thời điểm để phòng chống lây nhiễm dịch bệnh.
Nguyễn Thị Tám- Khoa KSNK