Dinh dưỡng hỗ trợ phòng bệnh Covid 19

1. Các điểm chính về dinh dưỡng trong dự phòng COVID-19

– Ăn đủ số lượng thực phẩm theo khuyến nghị Tháp dinh dưỡng hợp lý cho các lứa tuổi cho người Việt Nam. Không nên sử dụng quá mức bất cứ một loại thực phẩm nào, vì có thể gây hại cho cơ thể.

– Hàng ngày chúng ta cần ăn uống đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, sử dụng các thực phẩm bắt buộc bổ sung vi chất theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ và các thông tư của Bộ Y tế: Muối bổ sung iốt; Bột mỳ bổ sung sắt và kẽm; Dầu ăn bổ sung vitamin A.

– Đối với người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính – đối tượng nguy cơ cao nhất trong mùa dịch, cần được cung cấp đủ thực phẩm: Chế độ ăn đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, tránh sụt cân, suy dinh dưỡng và tuân thủ chế độ dinh dưỡng đã được chỉ định phù hợp tình trạng bệnh lý.

– Uống nước đủ theo khuyến cáo của từng lứa tuổi, uống nước ấm và chia nhiều lần trong ngày.

– Thực hiện các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống nước đun sôi

– Tập thể dục đều đặn, ngay cả khi ở trong nhà.

– Duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh: ngủ đủ giấc, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc, tinh thần lạc quan.

– Trong điều kiện giãn cách xã hội hiện nay, cần linh hoạt, khéo léo tổ chức bữa ăn gia đình để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ngon miệng, vệ sinh, kết hợp với luyện tập thể lực hàng ngày tại nhà để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng để chống dịch lâu dài.

– Đối với các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch (nhân viên y tế, bộ đội, công an…) thì càng cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ngon miệng để đảm bảo sức khỏe thực hiện nhiệm vụ

2. Nguyên tắc dinh dưỡng trong dự phòng và điều trị COVID-19

Dinh dưỡng hợp lý theo nguyên tắc dinh dưỡng cho từng đối tượng (theo lứa tuổi, bệnh mạn tính hiện mắc). Nguyên tắc là ăn đa dạng thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa COVID-19.

Theo khuyến cáo của WHO, thực phẩm cho một bữa ăn lành mạnh bao gồm:

– Nên chọn lựa thực phẩm tươi: bổ sung 300g rau củ, 200g trái cây mỗi ngày, 180g ngũ cốc nguyên cám.

– Tránh sử dụng thực phẩm thực phẩm chế biến sẵn: đồ hôp, xúc xích, pizza, bánh quy,…

– Nên ăn 160 – 200g thịt cá, thịt đỏ 1-2 lần/tuần, thịt trắng 2-3 lần/ngày

– Hãy lựa chọn hoa quả tươi cho bữa phụ thay cho các loại thực phẩm nhiều đường, muối, mỡ.

– Hạn chế rượu, bia: không sử dụng quá 2 đơn vị rượu/ngày đối với nam và không quá 1 đơn vị/ngày đối với nữ. 1 đơn vị rượu bằng 40ml rượu trắng, 330ml bia, 120ml rượu vang,…

– Uống đủ nước

• Hãy uống đủ 1.5-2 lít nước 1 ngày, nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát.

• Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả • Tránh uống cà phê, nước ngọt có ga, nước tăng lực

 – Lưu ý trong chế biến thực phẩm:

• Nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật: dầu ô liu, dầu hướng dương,…

• Không chế biến quá kỹ các loại rau củ

• Sử dụng dưới 5g muối mỗi ngày

• Khuyến khích sử dụng tỏi trong các món ăn (ăn sống, ép lấy nước, xào cùng thức ăn)

– Ngoài ra, nên xây dựng thói quen tốt để tăng cường miễn dịch: tập luyện thể dục hằng ngày tại nhà; phơi nắng mỗi ngày 15-30 phút giúp bổ sung Vitamin D tự nhiên.

3. Dinh dưỡng tăng cường miễn dịch

Tăng cường các thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch bao gồm: Vitamin D, Vitamin A, Vitamin C, Vitamin E, Kẽm, Omega-3, một số hợp chất giúp điều hòa miễn dịch và các loại gia vị có tính kháng khuẩn như tỏi, gừng,…

– Vitamin D: vitamin D là một vitamin tan trong chất béo, có vai trò trong việc kích hoạt hệ thống miễn dịch cơ thể. Bổ sung Vitmain D hằng ngày làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chế độ ăn chỉ cung cấp 10-20% lượng vitamin D dự trữ ở người lớn. Thiếu hụt Vitamin D có thể làm giảm miễn dịch bẩm sinh và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15-30 phút mỗi ngày, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)…

– Vitamin A và Beta-caroten: vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Thiếu hụt Vitamin A gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của lympho T và B, giảm chức năng của bạch cầu trung tính, đại thực bào và NK. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh.

Ngộ độc do quá liều Vitamin A chỉ xảy ra ở dạng retinoit (nguồn gốc động vật) chứ không xảy ra ở dạng caretonoit (nguồn gốc thực vật). Liều khuyến cáo cho người trưởng thành ở Việt Nam là 650 mcg/ngày đối với nam và 500 mcg/ngày đối với nữ.

Vitamin A cung cấp từ thực phẩm có thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Thực phẩm giàu vitamin A gồm: gan động vật (6500 mcg/100g), dầu cá, lòng đỏ trứng (140 mcg/100g). Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều vitamin A dưới dạng Beta-caroten như: cà rốt (835mcg/100g), khoai lang (709mcg/100g), bí ngô (369mcg/100g), đu đủ (55mcg/100g), bơ (868mcg/100g), bông cải xanh (800 mcg/100g), cải lá xoăn (681 mcg /100g),…

– Vitamin C: là một loại vitamin thiết yếu cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vitamin C hỗ trợ chức năng tế bào cho hệ thống đáp ứng miễn dịch, chức năng hàng rào nội mạc chống lại yếu tố gây bệnh, tăng cường hoạt động dọn dẹp chất gây oxy hóa bảo vệ cơ thể.

Thiếu vitamin C làm suy giảm khả năng miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin C từ hoa quả, trái cây và rau tươi như: ớt chuông (103-250 mg/100g), bưởi (95mg/100g), kiwi (92,5mg/100g), chanh (77mg/100g), ổi (62mg/100g), dâu tây (60mg/100g); đu đủ (54mg/100g) và cam (40mg/100g).

– Vitamin E: vitamin E có thể thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, sự phân hóa của các tế bào. Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương, các sản phẩm từ đậu nành, lúa mì, giá đỗ, rau mầm,…

– Kẽm: kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Thiếu kẽm gây ra tác dụng phụ trên hệ thống miễn dịch như tự miễn, dị ứng, tăng nhạy cảm nhiễm trùng và thiếu kẽm gây rối loạn chức năng miễn dịch ở cả miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi. Các nghiên cứu đã cho thấy kẽm ở liều 5-20 mg/ngày giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm đợt cấp và thời gian mắc của người nhiễm trùng đường hô hấp. Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm sò (13,4mg/100g), vừng (7,75mg/100g); con trùng trục (7,03 mg/100g); hạt điều (5,78 mg/100g); sữa bột tách béo (4,08mg/100g); thịt bò (4mg/100g); đậu hà lan (4mg/100g), lòng đỏ trứng (3,7mg/100g)…

– Omega 3: là 1 loại acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, được biết đến với hiệu quả ức chế viêm, giữ cho hệ thống miễn dịch trong tầm kiểm soát.

Nên sử dụng Omega-3 1000-2000mg/ngày.

Omega 3 có nhiều trong các sản phẩm: dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt chia…

– Nhóm thực phẩm chứa Flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm giàu flavonoid như: các loại rau gia vị như các loại húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh.

– Beta-glucan: beta-glucan là một chất điều hòa miễn dịch, hoạt động trên nhiều thụ thể màng tế bào miễn dịch. Cả đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi được tăng cường.

Beta-glucan được thu nhận từ thành tế bào của nấm men, vỏ cám yến mạch, lúa mạch đen, lúa mì, tảo biển và một số loài nấm linh chi, nấm hương, đông trùng hạ thảo,…

– Probiotic: Các loại thực phẩm có các loại vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (Probiotic) như các loại sữa chua, một số loại phô mai, đậu tương lên men (miso, natto)… có tác dụng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Tài liệu tham khảo: – Dinh dưỡng hỗ trợ dự phòng và điêu trị Covid 19 cho ngưởi trưởng thành- Bộ Môn Dinh dưỡng và ATTP Trường Đại học Y Hà Nội

– Hướng dẫn dự phòng Covid 19-Hội tiết chế dinh dưỡng Việt Nam,Nhà xuất bản lao động 2020