Sỏi thận san hô: Thường gặp và nguy hiểm

Hiện nay tỷ lệ mắc sỏi đường tiết niệu chiếm khoảng 2 – 12% dân số, Việt Nam nằm trong khu vực các nước có tỷ lệ mắc sỏi cao, sỏi đường tiết niệu có nhiều loại khác nhau mỗi loại sỏi có đặc điểm và cách điều trị khác nhau.  Sỏi san hô là 1 trong 4 nhóm sỏi thận thường gặp, nhưng lại rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Hình ảnh sỏi sau khi phẫu thuật lấy sỏi của người bệnh Bình
Hình ảnh phim Xquang ổ bụng của người bệnh Bình

Thời gian qua, bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đã tiếp nhận nhiều ngườ bệnh mắc sỏi thận san hô, mới đây nhất là người bệnh Đặng Thị Bình, 53 tuổi , địa chỉ: Bắc Sơn. Người bệnh vào viện trong tình trạng đau hố thắt lưng trái, tiểu buốt tiểu rắt, bệnh nhân được khám và phát hiện đài bể thận trái có sỏi KT= 16mm, đặc biệt là loại sỏi san hô. Các bác sỹ khoa Ngoại- Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn nhận thấy kích thước sỏi to, ảnh hưởng đến chức năng thận, nên chỉ định phẫu thuật lấy sỏi cho người bệnh. Sau 2 ngày phẫu thuật thành công, người bệnh hiện đã ổn định, tỉnh táo, đau ít.

BSCKII. Nguyễn Văn Tụy- Trưởng khoa Ngoại cho biết: “ Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp, những loại sỏi nhỏ có thể điều trị nội khoa, nhưng với sỏi to thì cần can thiệp ngoại khoa lấy sỏi. Hiện nay, tại bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, việc phẫu thuật lấy sỏi tiết niệu chủ yếu dùng phương pháp nội soi, ít xâm lấn, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, có một số trường hợp sỏi thận đặc biệt như sỏi san hô thì người bệnh thường đến bệnh viện khi sỏi đã to, vì khi sỏi nhỏ thường không có triệu chứng điển hình, chỉ đến khi có ảnh hướng đến chức năng thận, người bệnh mới đến khám và phát hiện ra, lúc này có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật mở lấy sỏi”.

Bác sỹ Tụy cũng có khuyến cáo với người dân để phòng ngừa sỏi tiết niệu: “Người bệnh cần uống đủ nước từ 1,5- 2 lít nước/ ngày; định kỳ thăm khám để phát hiện và theo dõi tiến triển của sỏi; cần tuân thủ chế độ điều trị, không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc,…”

Nguyễn Phương