HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Như chúng ta đã biết, bệnh Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên; Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh Lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.

Theo báo cáo năm 2018 của tổ chức y tế thế giới, ước tính năm 2017 trên toàn cầu có khoảng 10 triệu người hiện mắc lao; Với nhóm > 15 tuổi chiếm xấp xỉ 90%; 9% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV. Bệnh Lao là một trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất; Năm 2017 có 1,6 triệu người tử vong do lao; Trong đó, khoảng 300.000 ca tử vong do đồng nhiễm lao/ HIV. Việt Nam hiện tại vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 trong số các nước có số người mắc lao cao và thứ 15 các nước có gánh nặng lao kháng đa thuốc cao. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98 % lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí  thảm  họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc bệnh lao; 70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình  nói  riêng  và  đất  nước  nói chung.

Hiện nay, nước ta đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao xuống còn 0.001% (dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao / 1 năm). Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay với chủ đề “It’s time!” -“Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao”; Chủ đề nhấn mạnh vào sự cấp bách trong việc hành động, thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm: Mở rộng quy mô tiếp cận phòng ngừa và điều trị bệnh lao; Chấm dứt sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh; Thúc đẩy hành động nhân quyền, lấy người bệnh làm trung tâm.

 Bệnh nhân bị mắc bệnh Lao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn, giúp chúng ta ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng. Bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây lan đáng lo ngại cho cộng đồng. Khi có các triệu chứng như sau phải đến ngay cơ sở  tế để khám và xét nghiệm kịp thời:

– Ho khạc đờm kéo dài trên 02 tuần;

– Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.

– Sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ra mô hôi về đêm

– Đau ngực, khó thở, ho ra máu.

*Cách  phòng chống bệnh lao:

– Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;

– Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;

– Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị (với bệnh nhân xét nghiệm có vi khuẩn lao trong đờm). Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;

– Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;

– Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

Vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống bệnh Lao. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cộng đồng biết cách phát hiện và phòng chống bệnh Lao có hiệu quả.“Đã đến lúc toàn dân vì sự nghiệp chấm dứt bệnh lao cho mình và cộng đồng”./.

Thu Hương – Phòng Điều Dưỡng