Đăng tải thông tin, bài viết sai sự thật trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật

        Gần đây thông tin bắt cóc trẻ em, án mạng chặt đầu tại Royal City hay máy bay rơi ở Nội Bài được đăng tải trên mạng xã hội Facebook “nóng” hơn bao giờ hết khi được nhiều người chia sẻ, comment gây hoang mang trong dư luận. Dù chỉ là những tin đồn thất thiệt nhưng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ.

Mới đây, ngày 11-9, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với Hoàng Thị Liễu (21 tuổi), là công nhân một công ty trên địa bàn thành phố, đang ở tại xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), về hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự nhân phẩm cá nhân” quy định tại Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính vễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Qua tài liệu của cơ quan CSĐT Công an TP Vĩnh Yên, khoảng 12h10 ngày 20-7, tài khoản Facebook cá nhân có tên Elyna Hoàng đăng tải thông tin về việc “Bọn bắt cóc đã có mặt tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc”. Đến ngày 21-7, sau 1 ngày thông tin đăng tải đã có 100 lượt bày tỏ cảm xúc, 70 lượt bình luận và 45 lượt chia sẻ trên mạng xã hội.

Đào Ngọc Khánh khai nhận hành vi vi phạm tại Phòng PC50 (Công an Hà Nội).

Đây là thông tin nhạy cảm gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Sau khi thông tin trên được đăng tải, Đội An ninh, Công an TP Vĩnh Yên đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xác minh, điều tra theo quy định. Quá trình xác minh xác định, trên địa bàn xã Bình Định và các xã lân cận trên địa bàn huyện Yên Lạc không xảy ra vụ việc nào liên quan đến việc bắt cóc hoặc tiếp nhận thông tin nào có liên quan đến việc bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng như tài khoản Elyna Hoàng đăng tải.

Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh tài khoản Elyna Hoàng và xác định được đối tượng đăng tải nội dung là Hoàng Thị Liễu. Khi mời Liễu lên cơ quan Công an, chị này thừa nhận hành vi sai trái của mình. Theo lời khai của Liễu, trong thời gian tháng 7, có nghe một số người nói về việc trẻ em bị bắt cóc nên ngày 20-7, đã sử dụng điện thoại để soạn nội dung và đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến vụ việc bắt cóc trẻ em lên Facebook cá nhân của mình.

Đại tá Lê Hồng Sơn,Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, PC50 đã xử lý 2 vụ việc đăng tải những thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook gây hoang mang dư luận.

Trong đó, khoảng 15h57 ngày 20-7, khi đang nộp tiền vào tài khoản tại máy CDM của Ngân hàng VP Bank chi nhánh Kinh Đô, địa chỉ phường Trung Liệt, Đống Đa (Hà Nội), Phạm Thị Mùi (27 tuổi), trú tại phường Kim Giang, Thanh Xuân đọc được bài đăng trên Facebook (Mùi không nhớ rõ tài khoản nào, bài viết này hiện đã bị xóa) với nội dung: “Mưa to quá máy bay rơi luôn… thật là kinh khủng”, bài viết đăng kèm 5 hình ảnh thể hiện việc máy bay rơi trên cánh đồng. Do trời đang mưa to, Mùi nghĩ đây là sự thật nên đã tải 5 ảnh trên về máy điện thoại của mình. Mùi xem hình ảnh máy bay rơi trên có địa điểm giống với địa điểm sân bay Nội Bài tại Hà Nội nên nghĩ sự việc xảy ra tại sân bay Nội Bài.

Sau đó, khoảng 15h59 cùng ngày, Mùi copy lại bài viết trên và viết thêm nội dung “Nội Bài này” vào bài viết, đăng kèm 5 hình ảnh trên lên tài khoản Facebook “Phạm Thị Mùi”  của mình. Mùi đặt địa điểm hiện tại của mình tại sân bay quốc tế Nội Bài để cho người đọc tin tưởng rằng có sự việc máy bay rơi tại sân bay Nội Bài.

Khoảng 5 phút sau, Mùi tìm trên trang tìm kiếm Google thông tin về máy bay rơi xem có đúng hay không? Thiệt hại như thế nào? Thì thấy không hề có thông tin nào liên quan đến việc máy bay rơi tại sân bay Nội Bài.

Tại cơ quan Công an, Mùi tự nhận thấy thông tin trên là bịa đặt, không đúng sự thật nên đã xóa bài viết trên của mình đi. Do Mùi sử dụng tài khoản Facebook mình để kinh doanh online (hiện có 3.489 bạn bè, 10.854 người theo dõi) nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều người đọc, chia sẻ, đăng lên các diễn đàn như otofun… gây hoang mang cho dư luận, xã hội và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến vụ việc này, Phòng PC50 đã chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng đến Công an quận Hai Bà Trưng để xử lý theo thẩm quyền. Theo cơ quan Công an, với những vi phạm cụ thể như trường hợp Phạm Thị Mùi, chiếu theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Mùi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng.

Gần đây nhất, khoảng 9h30 ngày 12-9, Đào Ngọc Khánh (20 tuổi), quê ở Lào Cai, hiện đang là sinh viên đại học tại Hà Nội, khi đang làm thêm ở cửa hàng kinh doanh giày tại sảnh B2-R3-Royal City – Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội thì thấy có rất đông nhân viên bảo vệ của Tập đoàn Vingroup tụ tập tại sảnh và thang cuốn. Hiếu kỳ, Khánh đã chụp ảnh lại bằng điện thoại di động của mình.

Do muốn có người để ý đến tài khoản mạng của mình, Khánh đã sử dụng phần mềm Instagram để chỉnh sửa nội dung bức ảnh bằng việc thêm vào dòng chữ: “Vừa có vụ án mạng tại Vincom Royal” vào bức ảnh gốc rồi đăng tải lên tài khoản Instagram của mình. Sau đó Khánh tiếp tục làm việc.

Đến khoảng 21h cùng ngày, khi Khánh vào mạng xã hội Facebook thì thấy có người trong nhóm “Hóng Biến Hội” hỏi về nội dung bức ảnh do Khánh chụp buổi sáng với nội dung “Có ai hóng thông tin về vụ này không ạ”. Lúc này Khánh đã nảy sinh ý định thu hút người trên mạng Facebook (câu like) và muốn được nhiều người biết đến nên Khánh đã đăng tải lên nhóm “Hóng Biến Hội” từ tài khoản Facebook “Đào Ngọc Khánh” của mình.

Ngoài ra, Khánh còn viết thêm nội dung: “Vụ này chặt đầu trong royal mọi người nhé. Ảnh bạn dưới vừa up là ảnh từ ins của mình ra. Chi tiết dưới comment nhé. Vì cái này vin group nó che đậy mọi người ghê. 12h xóa bài”. Ngay sau khi đăng tải bài viết và nhận được một số bình luận, phản hồi về bài viết khi không đúng sự thật, Khánh đã chủ động xóa ngay bài viết này. Hiện Phòng PC50 đang tiếp tục củng cố tài liệu để xử lý Đào Ngọc Khánh theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Đại tá Lê Hồng Sơn, việc lập tài khoản Facebook, đăng thông tin là quyền cá nhân. Tuy nhiên, một số người đã đưa lên trang mạng những thông tin không có thật kiểu giật gân, những tin đồn dạng nghe ngóng, vỉa hè… không có kiểm chứng. Ngoài ra, những bình luận, comment mang tính chủ quan, cảm tính cá nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Hành vi tung tin thất thiệt gây hoang mang cho mọi người là vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ có hình thức xử lý tương ứng, từ xử phạt hành chính đến xử lý trách nhiệm hình sự.

Phòng PC50 khuyến cáo, không đăng tải những thông tin không đúng, giật tít lên mạng xã hội (bắt cóc trẻ em, giết người, cướp nội tạng….) nhằm mục đích “câu like”, “câu view” vì những thông tin ấy khi lan truyền có thể gây hoang mang dư luận hoặc ảnh hưởng đến danh dự uy tín của cá nhân, tổ chức khác.

Khi đọc, tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội cần suy ngẫm, kiểm chứng xem thông tin xuất phát từ đâu, có những trang thông tin chính thống hay không, cần kiểm tra tính xác thực của nội dung thông tin trước khi chia sẻ cho mọi người. Khi biết thông tin mình đưa lên mạng xã hội là không chính xác thì người dùng cũng nên sử dụng chính mạng xã hội để xin lỗi, đính chính lại thông tin nhằm thông báo cho mọi người biết và giảm bớt phần nào hậu quả xảy ra.

(Nguồn: www.cand.com.vn)