Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục tại vị dù không phải ủy viên Trung ương, ca ghép tạng xuyên Việt, dịch Zika xuất hiện… đáng quan tâm năm 2016.
1. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục giữ cương vị Bộ trưởng
Sau Đại hội Đảng 12 diễn ra vào tháng 1, ngành y tế không có đại diện trong Trung ương khóa mới. Ngày 27/7, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục được đề nghị vào vị trí hiện nay. Bà là thành viên Chính phủ duy nhất không phải Ủy viên Trung ương Đảng và cũng là thành viên nữ duy nhất.
Từng giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, bà Tiến sau đó làm Viện trưởng Pasteur TP HCM, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng, Đại học Y dược TP HCM, Trưởng Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết… Từ tháng 8/2011, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phê chuẩn làm Bộ trưởng Y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều nỗ lực tạo sự thay đổi đáng kể trong ngành y tế, đặc biệt trong vấn đề giảm tải, thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, lập đường dây nóng, nâng cao chất lượng y tế cơ sở… Dù vậy ngành vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều bệnh viện vẫn còn quá tải nhất là chuyên khoa ung thư, tim mạch, dịch bệnh …
2. Bổ nhiệm giám đốc các bệnh viện
Năm qua nhiều bệnh viện khuyết chức danh lãnh đạo trong thời gian dài như các bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Đức, Hữu Nghị. Ví dụ Bệnh viện Việt Đức thiếu giám đốc suốt thời gian dài vì hai ứng viên phó giám đốc có số phiếu tương đương nhau. Viện phải đề nghị Bộ Y tế bổ nhiệm giám đốc viện, trong khi Bộ Y tế đang chờ Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thi tuyển cấp trưởng các đơn vị sự nghiệp.
Sau khi Chính phủ cho phép Bộ bổ nhiệm lãnh đạo viện, Bộ có phương án chọn Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, quy hoạch một Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức về làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, phó Giám đốc còn lại của Việt Đức làm Giám đốc Việt Đức. Tuy nhiên sau đó Phó Giám đốc Việt Đức được điều động sang Bệnh viện Hữu nghị đã viết tâm thư mong muốn ở lại viện. Bộ buộc phải bổ nhiệm một người khác làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị. Hiện Bệnh viện Việt Đức vẫn chỉ có phó giám đốc phụ trách. Vấn đề này được Bộ Y tế giải quyết trong năm.
3. Dịch bệnh Zika
Năm 2016, dịch Zika bùng phát tại các nước châu Mỹ, chỉ riêng Brazil đã báo cáo hơn 4.000 trường hợp trẻ sinh ra với hội chứng đầu nhỏ từ các bà mẹ nhiễm virus này khi mang thai. Số ca mắc tăng lên theo cấp số nhân. Khi đó Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika.
Sau nhiều lo ngại, dịch bệnh Zika cũng xuất hiện và lan nhanh ở Đông Nam Á, trong đó phải kể đến Thái Lan, Singapore. Việt Nam cũng ghi nhận 2 ca bệnh đầu tiên tại TP HCM và Khánh Hòa vào đầu tháng 4. Gần 140 người mắc bệnh Zika tại TP HCM, trong khi một số tỉnh thành khác chỉ 1-2 ca. Theo Bộ Y tế hiện virus này tiềm ẩn trong cộng đồng, không phải xâm nhập từ bên ngoài. Những nơi nào tập trung nhiều muỗi Aedes và bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch Zika rất lớn.
So với sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Tuy nhiên nó nguy hiểm với thai phụ vì có thể gây dị tật đầu nhỏ, nhất là trong 3 tháng đầu. Tháng 10 Bộ Y tế khẳng định em bé bị đầu nhỏ ở Đăk Lăk “nhiều khả năng do virus Zika” và là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam mang dị tật này liên quan đến virus Zika. Virus Zika truyền qua muỗi, vì thế biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là tránh muỗi đốt.
4. Nhiều y bác sĩ quyên góp tiền cứu bệnh nhân
Năm 2016 chứng kiến sự tham gia của nhiều y bác sĩ vào các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện vì bệnh nhân.
Trước hoàn cảnh của hai bé sinh đôi dính liền cần chuyển gấp từ Hà Giang về Hà Nội để bàn phương án mổ tách mà gia đình nghèo không có tiền, sáng 14/7 bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên cùng một số đồng nghiệp quyết định mặc áo blouse trắng ra chợ in tấm phông to về tình cảnh của hai bé để kêu gọi người dân xung quanh quyên góp.
Khám cho cô bé Minh Anh mắc hội chứng Aperts và nhiều tháng sau bé không trở lại điều trị theo lịch hẹn, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh rao trên Facebook nhờ chuyển lời xin mổ đến gia đình. Nhờ sự lan tỏa thông tin trên mạng xã hội, sau 2 giờ chia sẻ thông tin, bác sĩ và gia đình đã kết nối. Một mạnh thường quân tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật. Từ đây nhiều bệnh nhân khó khăn mắc Aperts từ Hải Phòng, Ninh Thuận… đã liên hệ bác sĩ và được hỗ trợ phẫu thuật trả lại bàn tay xinh xắn.
Tối thứ 7 hàng tuần, các y bác sĩ từ nhiều bệnh viện TP HCM tụ về quán cà phê cùng cất cao giọng hát trong đêm nhạc Blouse trắng. Chương trình nằm trong hoạt động quyên góp gây quỹ “Dĩa cơm trên tường”, khơi nguồn từ câu chuyện “Ly cà phê trên tường” tại thành phố Venice, Italy. Ở đó người nghèo muốn uống cà phê nếu không có tiền có thể vào quán lấy mảnh giấy dán trên tường có giá trị như số tiền mua một ly cà phê. Các bác sĩ Sài Gòn đã biến ý tưởng ly cà phê thành dĩa cơm người Việt vì bệnh nhân nghèo cần cơm hơn, nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng.